Hiện Hà Nội đang xúc tiến công tác tái khởi động dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào tháng 10 tới và hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2032.

Sau điều chỉnh, dự án này có tổng chiều dài 11,5 km gồm 8,9 km đi ngầm và 2,6 km đi trên cao; có 7 ga ngầm và ba ga trên cao với 10 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư dự án là gần 35.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1.500 triệu USD. Trong đó, vốn ODA vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 29.000 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội gần 6.000 tỷ đồng.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết: “Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và sẽ lập thẩm định, trình quyết định dự án đầu tư. Dự kiến tuyến này sẽ thực hiện trong 7 năm và sẽ hoàn thành trong năm 2032″.

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo được phê duyệt từ năm 2008 với tổng mức đầu tư ban đầu gần 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do một số thay đổi trong thiết kế, đặc biệt liên quan đến khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận, nên sau 17 năm hiện mới được tái khởi động trở lại với quyết tâm khởi công dự án trong năm nay.

Dự án có điểm đầu Nam Thăng Long, lộ trình theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài và điểm cuối tại ngã tư phố Huế và Nguyễn Du. Theo quy hoạch, tuyến đường sắt số 2 sẽ tạo thành trục xương sống huyết mạch, kết nối khu vực nội đô, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đô thị phía Bắc của Hà Nội.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Uỷ ban thành phố cũng giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý đường sắt chuẩn bị tiếp các tuyến như Nam Thăng Long – Nội Bài cũng phải triển khai ngay vì Nội Bài là khu vực quan trọng cho cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ. Dự báo, đến năm 2030, cảng hàng không này đạt 60 – 65 triệu hành khách/năm và đến năm 2050 là khoảng 100 triệu hành khách/năm. Còn về tuyến Trần Hưng Đạo – Thượng Đình cũng sẽ phát triển để cho hoàn chỉnh các tuyến”.

Cùng với hai tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – Cầu Giấy đang hoạt động hiệu quả, việc quyết tâm khởi công dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo trong năm nay là bước đi quan trọng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng hệ thống đường sắt đô thị văn minh, hiện đại, đồng bộ và bền vững của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Ngoài tuyến số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và ưu tiên triển khai tuyến số 5 Nam Cao – Hòa Lạc.

Tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội đang diễn ra, dự kiến các đại biểu sẽ thảo luận và cho ý kiến về dự thảo nghị quyết các cơ chế đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nếu nghị quyết được ban hành, đây sẽ là tiền đề giúp hai thành phố lớn đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện tổng thể hệ thống đường sắt đô thị nói chung và các tuyến đường sắt cần ưu tiên triển khai nói riêng.